Sau 10 năm miệt mài ở Sài Gòn, một người anh kiến trúc sư (KTS) của tôi quyết định về Lâm Đồng khởi nghiệp. Thay vì đầu quân cho công ty kiến trúc, anh chọn xây dựng “đế chế” riêng với vai trò KTS tự do.
Ngoài tư vấn, thiết kế, thi công cải tạo các dự án nhà đồng quê, quán xá…, anh còn dạy vẽ, làm giảng viên tại trường đại học và kinh doanh quán ăn. Anh chia sẻ: “Thu nhập của anh ổn định hơn trước, có nhiều cơ hội bứt phá và được tự do làm thứ mình thích”.
Không riêng anh, nhiều KTS khác cũng lựa chọn con đường tự do để thoát khỏi cảnh “đêm ngày tăng ca”, để theo đuổi đam mê, để có được thu nhập tương xứng với khả năng…
Vậy, có nên làm KTS tự do? Theo dõi bài viết và tìm ra câu trả lời nhé.
Lưu ý: Bài viết này dành cho kiến trúc sư đủ điều kiện hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định của Luật Kiến trúc 2019 và các văn bản sửa đổi liên quan.
1. Ưu điểm khi làm KTS tự do
Chủ động lựa chọn khách hàng và tự do sáng tạo
Đi làm full-time, bạn cần hoàn thành dự án theo yêu cầu của cấp trên (bất kể dự án thích hay không thích) để cuối tháng lãnh lương. Làm KTS tự do, bạn được lựa chọn dự án phù hợp với chuyên môn, năng lực, quan điểm thiết kế; bạn được lựa chọn khách hàng hợp vibe, cùng hệ giá trị.
Thêm nữa, sau khi thuyết phục khách hàng, bạn tự do sáng tạo mà không sợ ý tưởng bị phản đối. Bạn cũng chính là người quyết định bắt đầu hoặc kết thúc một dự án bất kỳ và tự chịu trách nhiệm thay vì đợi ý kiến xét duyệt từ cấp trên.
Đây có lẽ là điều khá “xa xỉ” với KTS full-time, nhất là giai đoạn mới vào nghề. Và khi bị hạn chế sáng tạo dù theo cách nào đi chăng nữa, khả năng phát triển của bạn rất dễ bị kìm hãm.

Đã có nhiều điển hình KTS từng bị chỉ trích và từ chối vì quan điểm thiết kế khác thường, táo bạo như Frank Lloyd Wright, Zaha Hadid, Le Corbusier, Antoni Gaudí… Chỉ là, họ hoạt động độc lập nên vẫn có thể giữ vững quan điểm thiết kế và trở thành biểu tượng trong giới thiết kế.
Tưởng tượng xem, nếu họ là KTS full-time và chịu ràng buộc của công ty, liệu họ có thể kiên trì theo đuổi phong cách thiết kế riêng độc đáo và tạo nên tên tuổi của ngày hôm nay?
Lưu ý: Nếu bạn là KTS tự do chưa có thương hiệu và lượng khách hàng ổn định, bạn đừng “kén cá chọn canh”.
Linh hoạt về thời gian
Làm KTS tự do, bạn dễ dàng sắp xếp thời gian cho công việc, gia đình, sở thích cá nhân… mà không lo lắng hết ngày phép hay bị trừ lương. Nếu quản lý thời gian tốt, với 24 giờ mỗi ngày, bạn làm được rất nhiều thứ. Bạn cũng tự quyết định giờ làm việc mỗi ngày thay vì “mắt nhắm mắt mở” chạy vội tới công ty để kịp chấm công lúc 8 giờ, 9 giờ.
Cải thiện thu nhập
Trong một số cuộc “hội nghị bàn tròn” của các anh chị KTS mà tôi tham gia, chủ đề nóng hổi nhất là “KTS kiếm tiền như thế nào?”. Nhiều người chọn đa nhiệm nhưng sức khỏe luôn trong tình trạng báo động. Còn hầu hết là “đi làm cả ngày về nhà chỉ muốn lăn ra ngủ, khỏi cần ăn uống hay tắm rửa gì”. Bởi vậy nên, KTS đi làm full-time thường có một nguồn thu nhập – đến từ lương được công ty trả hàng tháng.
Làm KTS tự do, như tôi đã chia sẻ ở trên, bạn có thể chủ động sắp xếp thời gian và làm nhiều thứ khác nhau. Ngoài thiết kế, bạn còn có thể tư vấn, giảng dạy, đào tạo, sản xuất sản phẩm số như ebook, tài liệu hướng dẫn; tạo và các thiết kế mẫu, làm giám sát tự do… Điều này giúp bạn đa dạng hóa nguồn thu và không bị phụ thuộc bởi ai, tổ chức nào. Như thầy của tôi vừa là kiến trúc sư, vừa phụ trách công việc tại tòa soạn, vừa làm giảng viên tại trường đại học, vừa viết lách, vừa kinh doanh…
Quan trọng hơn, làm tự do giúp bạn kiểm soát chi phí thiết kế và tự quyết định mức phí dựa trên năng lực, sự ảnh hưởng và giá trị bạn mang tới cho khách hàng. Thu nhập tốt hơn nhiều so với việc ăn lương theo tháng ở công ty hoặc trích theo tỷ lệ % mà công ty đưa ra.

Tạo uy tín cá nhân trong ngách
Đi làm full-time, công ty chịu trách nhiệm quảng bá thương hiệu và tìm kiếm khách hàng, việc của bạn là hoàn thành các đầu việc theo yêu cầu. Vì thế, KTS full-time không cần, thậm chí chưa bao giờ nghĩ tới thương hiệu cá nhân.
Làm tự do, bạn buộc phải xây dựng thương hiệu cá nhân để cạnh tranh và tìm kiếm những cơ hội tốt cho mình. Chính quá trình này giúp bạn cải thiện uy tín, mở ra networking chất lượng, tử tế và nhiều cơ hội cộng tác phát triển trong tương lai. Đồng thời, làm thương hiệu cá nhân thường đi đôi với việc làm chủ thị trường ngách. Lúc này, bạn định vị bản thân như một chuyên gia có năng lực, nhờ thế mà nâng cao uy tín và sức ảnh hưởng.
Tạo bước đệm phát triển Solo biz hoặc mở công ty riêng
Sau một thời gian làm tự do, bạn không chỉ có khách hàng ổn định, có vòng kết nối chất lượng, mà bạn còn có kinh nghiệm thực tế và hiểu biết sâu sắc về thị trường mục tiêu. Điều này cho phép bạn thử nghiệm xem sản phẩm – dịch vụ nào phù hợp nhất với khách hàng; hoặc tìm ra xu hướng thị trường trong thời gian tới để đưa ra quyết định: xây dựng solo biz (kinh doanh độc lập) hay mở rộng quy mô phát triển như các doanh nghiệp lớn (nhiều nhân viên).
Có thể nói thời gian làm tự do giống như một kỳ thực tập giúp bạn luyện tập khả năng ứng phó, xử lý các vấn đề liên quan đến công việc, cuộc sống, làm bước đệm giúp bạn mở rộng sự nghiệp của mình. Bạn được học và trải nghiệm, bạn có nhiều mối quan hệ chất lượng, bạn có khả năng thích ứng… Và, dù bạn chọn lập công ty riêng hay phát triển mô hình kinh doanh độc lập thì con đường chuyển đổi cũng đều suôn sẻ hơn, vì ít nhiều bạn đã biết đâu là thế mạnh, cơ hội, đâu là rủi ro, trúc trắc.
Bạn có biết Justina Blakeney, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng với phong cách Jungalow? Trước khi được giới chuyên môn và khách hàng biết đến, cô đã trải qua thời gian làm việc tự do, đi du lịch nhiều nơi, viết blog chia sẻ các ý tưởng thiết kế, phong cách sống và tình yêu thiên nhiên của mình. Từ blog, cô hiểu hơn nhu cầu thị trường và khách hàng mục tiêu, cô phát triển Jungalow trở thành phong cách thiết kế nội thất – phong cách sống truyền cảm hứng. Cuối cùng là sự ra đời của các dự án, các sản phẩm nội thất độc đáo được ghi nhận trên toàn thế giới.
Tăng trưởng và phát triển liên tục

Trở thành KTS tự do, bạn tự mình làm rất nhiều thứ. Từ tư vấn, thiết kế phương án cho khách hàng tới soạn hợp đồng, trả lời tin nhắn, email…
Bạn phải liên tục đối mặt với những thay đổi, thách thức.
Bạn được thử sức những công việc mới hơn, khó hơn.
Nhờ vậy, bạn liên tục nâng cấp kiến thức, cải thiện kỹ năng… và trở thành phiên bản KTS tự do chuyên nghiệp, tự tin, thu hút được nhiều khách hàng. Chưa kể, đi càng lâu trên hành trình này, bạn càng dễ tìm ra ý tưởng, hướng đi tiềm năng và phù hợp cho bản thân.
2. Hạn chế khi làm KTS tự do
KTS tự do không phải là con đường dành cho tất cả mọi người. Bạn cần có kế hoạch rõ ràng và chuẩn bị thật tốt trước khi quyết định thử nghiệm.
Nhiều việc, nhiều trách nhiệm
Hãy tưởng tượng bạn đang điều hành một công ty với nhiều nhân sự nhưng thực tế là… bạn làm hết mọi thứ. Bạn vừa đảm nhận công việc tư vấn thiết kế, lên phương án, vừa gặp gỡ, thuyết phục khách hàng. Bạn cũng là người chịu trách nhiệm trong việc tiếp thị, quảng bá dịch vụ, tạo ảnh hưởng và nhiều công việc không tên khác.
Và đương nhiên, bạn là người chịu trách nhiệm cho tất cả. Khi có sự cố, không có ai “đứng mũi chịu sào” thay bạn giải quyết nữa.
Nhiều thứ cần học
Ngoài chuyên môn chính, bạn phải có kiến thức về kinh doanh, quản lý, tiếp thị truyền thông, bán hàng… để duy trì “doanh nghiệp” tự do và gặt hái thành công. Chưa kể, Kiến trúc – nội thất là lĩnh vực liên tục thay đổi với nhiều sự mới mẻ. Bạn phải liên tục cập nhật để theo kịp xu hướng, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Làm sao chu toàn với quỹ thời gian hạn hẹp – bài toán bạn cần tìm lời giải đấy.
Thu nhập biến động
Trái ngược với những thời điểm nhận dự án lớn, tổng thu nhập hàng tháng/quý rất cao là lúc bạn “ế khách” hoặc nhận dự án nhỏ mà lợi nhuận chỉ vừa đủ trừ đi các chi phí.
Vì vậy, bạn cần có quỹ dự phòng. Bạn không phải lúc nào cũng được nghe tiếng ting ting đều đặn hàng tháng như khi làm full-time. Thậm chí tình trạng kinh tế leo lắt này có thể kéo dài mấy tháng. Để chuẩn bị tốt, ngoài quỹ dự phòng cố định, bạn nên trích ra một khoản dự phòng sau khi mỗi dự án kết thúc.
Thêm nữa, nếu không biết cách quản lý tài chính, nhập nhằng giữa chi tiêu cá nhân và doanh thu dự án, thu nhập của bạn sẽ biến động dữ đội còn bạn trở nên vô cùng bị động. Bạn không kiểm soát được tình hình tài chính, bạn chật vật xoay sở và dễ bị áp lực vì “cơm áo gạo tiền”. Hãy nhớ tách bạch chi tiêu cá nhân, trả lương hàng tháng cho bản thân mình và có quỹ vận hành business riêng nhé.
Bị hạn chế với nhiều dự án
Với dự án lớn hoặc giá trị cao, khách hàng thường có xu hướng tin tưởng và lựa chọn các công ty hơn là KTS tự do. Điều này có nghĩa là bạn sẽ ít có cơ hội được thử sức và thể hiện năng lực ở một số dự án. Để thay đổi, bạn nên tập trung tạo ảnh hưởng, thể hiện uy tín trong ngách và kết nối, hợp tác với đối tác lớn.
Dễ quá tải
Nếu bạn không biết cách sắp xếp công việc và quản lý thời gian – năng lượng, bạn rất dễ bị kiệt sức hoặc rơi vào tình trạng stress, trầm cảm, thậm chí đột quỵ. Bởi trên hành trình này, như tôi đã chia sẻ ở trên, bạn phải làm rất nhiều thứ. Để tránh quá tải, bạn cần lập kế hoạch với các đầu việc cụ thể, đưa ra mục tiêu phù hợp, không ôm đồm, tham việc…

Cái bẫy của tự do
Không đến công ty làm việc, không chấm công, không ai nhắc nhở, quản lý… bạn hoàn toàn tự do. Nếu không quản lý thời gian tốt và thiếu kỷ luật tự thân, bạn rất dễ tốn thời gian cho những việc vô bổ. Rồi sau đó “nước đến chân mới nhảy”, bạn cật lực làm việc cho kịp deadline. Tình trạng này lâu dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công việc và cả sức khỏe, tinh thần.
Một số mẹo hữu ích dành cho bạn: tạo không gian làm việc chuyên nghiệp tại nhà, làm việc mỗi ngày theo khung giờ cố định, sử dụng các phần mềm theo dõi hiệu suất và thường xuyên đánh giá công việc mỗi ngày để tránh sa đà vào các đầu việc không quan trọng…
Rủi ro rình rập
Tôi thường nghe các anh chị KTS tự do kể về chuyện bị xù tiền, bóc phốt trên mạng cũng chẳng ăn thua vì họ đã cố tình làm như thế. Một số trường hợp KTS tự do phải làm không công vì khách hàng hủy dự án hoặc không có khả năng chi trả: “Giờ khách hàng không xây nữa em ơi, anh cũng đâu có tiền trả chi phí thiết kế cho em”.
“Đi làm công ty thì hợp đồng có người soạn sẵn và kiểm tra kỹ lưỡng, mình chỉ việc thuyết phục khách hàng và sau đó ký tên. Nếu khách hàng chạy mất, công ty có nhiều cách bảo vệ quyền lợi cho mình, ít nhất vẫn có lương. Còn làm tự do, rất nhiều trường hợp rủi ro không thể lường trước được. Nếu không ký hợp đồng, việc ngưng dự án giữa chừng hoặc làm xong ò í e là chuyện bình thường…”.
Vậy nên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, dù là người thân, người quen; dù là dự án lớn nhỏ như thế nào, bạn hãy nhớ làm hợp đồng và lưu giữ các email, tin nhắn trao đổi để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Cô đơn
Làm KTS tự do, nhiều người rơi vào trạng thái cô đơn vì lịch sinh hoạt, làm việc không giống với mọi người. Điều này gây khó khăn trong việc kết nối, gặp gỡ… Họ cũng không có đồng nghiệp tán gẫu, thiếu tương tác xã hội, cảm thấy bản thân bị mắc kẹt giữa bốn bức tường mà không biết làm thế nào để thoát ra.
Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến mất tập trung, ảnh hưởng hiệu quả công việc, trầm trọng hơn là các dấu hiệu stress, trầm cảm…
Thực tế là, làm tự do không phải là một mình, bạn hãy tham gia vào cộng đồng phù hợp để trao đi giá trị và nhận lại sự giúp đỡ; thường xuyên gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũ, người thân… để nạp thêm năng lượng hoặc tìm kiếm niềm vui bằng việc theo đuổi sở thích cá nhân, chơi thể thao…
Hành trình rất dài, đừng đi một mình!
3. Chuẩn bị gì để làm KTS tự do?
Làm KTS tự do không phải là chuyển địa điểm làm việc từ văn phòng về nhà hay chuyển từ ngày làm tám tiếng sang “thích làm thì làm”. Bạn là đang vận hành doanh nghiệp của chính mình và muốn thu được thành quả khi làm KTS tự do, bạn phải có chiến lược và kế hoạch rõ ràng.
Hiểu mình và hiểu thị trường
Hãy trả lời những câu hỏi ngay sau đây để hình dung rõ ràng và cụ thể về con đường sắp tới. Đồng thời, bạn sẽ có cơ sở để tìm ra lợi thế riêng và cách kiểm chứng cho hệ thống sản phẩm – dịch vụ.
Hiểu mình
Hướng đi của bạn là?
Bạn sẽ trở thành KTS tự do hay mở công ty riêng ngay khi rời “ghế nóng” full-time? Hãy cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên năng lực tài chính, kinh nghiệm và mục tiêu của bạn.
Một sai lầm mà nhiều KTS tự do dễ mắc phải là ra riêng khi chưa đủ kinh nghiệm. Dẫn đến không thể xử lý ổn thỏa ở nhiều tình huống, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín cá nhân hoặc nản lòng, muốn bỏ cuộc.
Chuyên môn và kỹ năng bạn làm tốt nhất là gì?
Bằng cách trả lời các câu hỏi như: bạn đã từng đảm nhận những dự án nào, khách hàng phản hồi ra sao? Điểm yếu, thế mạnh của bạn là gì? Bạn tập trung vào thiết kế nhà thương mại, chung cư hay biệt thự, nhà phố? Bạn giỏi lên phương án binh bố mặt bằng, còn nội thất thì như thế nào? Bạn thích phong cách, quan điểm thiết kế nào?…
Liệu có nên chọn ngách?
Tùy vào định hướng và mục tiêu mà bạn có thể chọn ngách hoặc không.
Đi sâu vào ngách, bạn có thể gặp một số trở ngại như giới hạn thị trường mục tiêu (ví dụ như KTS dân dụng khó tham gia vào thị trường thiết kế nhà ở công cộng), ngách bị mất xu hướng (phong cách thiết kế theo đuổi không còn được thị trường đón nhận), đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao hơn (ví dụ tập trung vào nội thất thông minh thì bạn phải hiểu về chúng)…
Tuy nhiên, ngách sẽ là chìa khóa giúp bạn xây dựng sự nghiệp tự do chuyên nghiệp và ổn định. Bạn tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ, nâng cao uy tín và sự ảnh hưởng, dễ dàng thu hút khách hàng tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội trong sự nghiệp.
Ví dụ: Nhắc tới KTS Võ Trọng Nghĩa, người ta sẽ ngay lập tức định vị anh là một KTS hàng đầu trong phong cách xanh, bền vững.
Hiểu thị trường mục tiêu
- Bạn nhắm tới thị trường mục tiêu nào, khách hàng của bạn là ai? Họ đang gặp vấn đề nào và bạn có thể giúp gì cho họ?
- Đối thủ của bạn là? Họ có gì nổi bật? Bạn có thể làm tốt hơn không?
- Dịch vụ bạn dự định cung cấp là gì? Giá cả như thế nào?
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Trong thị trường tự do ngày càng cạnh tranh gay gắt, thương hiệu cá nhân là yếu tố then chốt giúp bạn nổi bật giữa đám đông – thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu, tăng mức độ nhận diện thương hiệu trong tâm trí khách hàng – khiến khách hàng ghi nhớ và tìm đến bạn. Ngoài ra, quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân cũng đồng thời giúp bạn thể hiện năng lực chuyên môn, nâng cao uy tín, hỗ trợ thu hút – nuôi dưỡng và xây dựng mối quan hệ bền vững với cộng đồng mục tiêu.
Và đương nhiên, khi đã đảm bảo những yếu tố này thì bạn sẽ duy trì được lượng khách hàng ổn định và được định giá cao hơn rất nhiều lần.
Có thể bạn quan tâm: Kiến trúc sư làm gì trên mạng xã hội?
Mở rộng networking
Khi tôi là một freelancer hay bây giờ là một solopreneur, tôi nhận ra tầm quan trọng của networking. Networking chất lượng và tử tế sẽ giúp bạn tiếp cận với nhiều cơ hội công việc, tận dụng sức ảnh hưởng từ cộng đồng, cộng sự; cải thiện kiến thức và kỹ năng nhờ học và làm việc với những người kinh nghiệm; được hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn…
Vậy nên, là KTS tự do, bạn nên chủ động xây dựng networking. Bạn có thể tham gia các hội thảo, hội nghị, sự kiện liên quan trong nghề; tham gia hội nhóm phù hợp trên mạng xã hội hoặc chủ động gửi lời kết bạn với các KTS, anh chị tiền bối, đối tác… có uy tín trong ngành.

Học tập không ngừng
Muốn tạo lợi thế cạnh tranh và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, bạn phải học hỏi không ngừng. Học để nâng cao năng lực chuyên môn, học để làm chủ các kiến thức liên quan tới kinh doanh, quản lý, kỹ năng mềm…; học để kịp thời cập nhật xu hướng mới…
Tùy vào nguồn lực mà bạn có thể học qua sách báo, tạp chí, đăng ký các khóa học chuyên sâu, học từ người có kinh nghiệm…
Sẵn sàng thích nghi với những thay đổi
Hành trình này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức, nhất là ở thời điểm bắt đầu. Bạn phải làm nhiều thứ, đối diện với nguy cơ kiệt sức. Nhiều công việc không ngay lập tức thấy kết quả, đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn và không ngừng cố gắng…
Chưa kể những rủi ro về tài chính, cạnh tranh gay gắt, khó khăn trong việc quản lý hay phát sinh trúc trắc khi làm việc với khách hàng, đối tác…
Vậy nên, bạn hãy chuẩn bị tinh thần để chấp nhận, đối diện và sẵn sàng thích nghi với bất cứ tình huống nào có thể xảy đến.
Duy trì sự cân bằng cuộc sống – công việc
Khi công việc vào guồng, KTS tự do dễ làm việc hăng say và quên hết mọi thứ. Nếu kéo dài, bạn sẽ rơi vào tình trạng quá tải, mệt mỏi. Do đó, hãy đặt ranh giới rõ ràng giữa công việc, cuộc sống, biết ưu tiên điều quan trọng, biết từ chối và dành nhiều thời gian cho bản thân.
Hành trình này rất dài, bạn cần nghỉ ngơi để nạp năng lượng và làm việc để tìm ra giá trị cuộc sống chứ không phải làm việc để đánh mất những điều quan trọng trong cuộc đời.
Tóm lại
Làm KTS tự do mở ra cho bạn cánh cửa cơ hội và giúp bạn khẳng định năng lực bản thân. Dù nhiều thử thách, khó khăn nhưng nếu bạn kiên trì và nỗ lực, bạn sẽ thu về thành quả xứng đáng ở cuối hành trình.
Và đương nhiên, làm KTS tự do hay không là lựa chọn của bạn. Chỉ cần bạn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định, luôn không ngừng nâng cấp, cải thiện chuyên môn, kỹ năng và dám thử nghiệm thì hành trình nào cũng rất tuyệt vời.
Nếu bạn đang cần một người định hướng, tư vấn thêm về con đường phát triển khi làm độc lập hoặc phát triển hệ thống sản phẩm – dịch vụ dành cho Kiến trúc sư, đặt lịch 1.1 nhé!