Ngày tôi được học về nấc thang chuyên môn, tôi rất muốn bứt phá như một solopreneur “hàng hiệu”.
Tôi háo hức, tôi mong lớp học bắt đầu thật nhanh. Nhưng khi biết hòm hòm về những nội dung mình sẽ học, sẽ làm, tôi rén ngang. Tôi list ra rất nhiều thứ mình không biết – biết chưa tới – biết mà chưa bao giờ dám thử.
Lúc đó, tôi phân thân làm hai, một bên hèn lắm và định bỏ cuộc. “Làm tự do đang ổn mà, khó quá thì đua đòi chi”. Bên còn lại thì “khiêu khích” và cả động viên “Làm solo mới giàu”, “Chưa thử sao biết”, “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối…”.
Cuối cùng tôi chọn dũng cảm đối diện với lựa chọn: Tham gia chương trình học nghiêm túc với mục tiêu cụ thể. Học ra số.
Từ lần dũng cảm đầu tiên, tôi liên tục đứng trước những lựa chọn mà nếu không dũng cảm, không DÁM, tôi chắc vẫn đang chật vật ở đâu đó trên hành trình này.
1. Phát triển sự nghiệp solo ở một ngách khá hẹp

Tôi vẫn làm nhưng thật sự là tôi không chắc chắn 100%, tôi liên tục hoài nghi con đường mình đi. Chưa kể, rất nhiều “lời ra tiếng vào” làm tinh thần tôi bị xáo động. Thử nghiệm hay dừng lại và tiếp tục lựa chọn phương án bình thường nhưng an toàn cho tôi hơn?
Có thể bạn quan tâm: Mình chọn ngách như thế nào?
Tôi dũng cảm thử nghiệm.
2. Năng lượng chạm đáy, cảm thấy chới với và không thuộc về

Khi đi đã được kha khá các nội dung trong chương trình học (chương trình học và ứng dụng luôn trong công việc hiện tại), tôi bắt đầu thấy ngợp. Lý do lớn nhất là quá nhiều thứ cần học, cần làm nhưng tôi chưa thấy có tiến triển gì về thu nhập.
Tôi tự ti và cảm thấy con đường này không dành cho một người chưa đủ năng lực như mình. Tiếp tục đi hay bỏ cuộc và quay lại công việc trước kia?
Tôi dũng cảm đi tiếp.
3. Liên tục gặp trúc trắc

Dù công việc tự do trước đó đã tát tôi kha khá nhưng chọn con đường của một solopreneur, tôi gần như ăn tát mỗi ngày. Cứng chuyên môn là một chuyện nhưng khi vận hành business để tạo lợi nhuận lại là một chuyện khác, rất khác.
Những lúc này, tôi cũng tự nghi hoặc bản thân rất nhiều lần: liệu mình có đủ sức theo đuổi con đường này hay không?
Tôi chọn dũng cảm theo đuổi. Tôi chấp nhận thất bại và xem đó như một cơ hội để tinh chỉnh, thích nghi và phát triển. Ý tưởng kinh doanh nào phi thực tế hay điên quá thì làm lại. Chưa được lại làm lại.
4. Thử nghiệm en nờ cái mới

Từ khoanh vùng đối tượng khách hàng, thu hẹp dịch vụ để tăng giá; công khai các khóa học và bán trên diện rộng cho đến dạy online, làm speaker, quay video… tôi đều cần đến lòng dũng cảm.
Mỗi lần thử nghiệm là mỗi lần tôi đứng trước rất nhiều lo lắng: ổn không, có được đón nhận không, thời cơ đã tới chưa…
Nhưng thật may tôi vẫn lựa chọn dũng cảm thử nghiệm. Tôi nhận ra, những thử nghiệm dù thành công hay thất bại đều giúp tôi phát triển. Và không có câu trả lời nào tốt hơn cho những mông lung, hoài nghi bằng thử nghiệm. Chỉ khi thử nghiệm tôi mới khẳng định được bản thân mình có thể – không thể làm một điều gì đó.
Đúng là để đi con đường này, đôi khi cần rất nhiều sự dũng cảm, phải không?