“Adaptive Reuse” – 5 cách tái sử dụng nội dung hiệu quả trong lĩnh vực kiến trúc nội thất

Làm nội dung lĩnh vực kiến trúc nội thất thú vị nhưng cũng đầy thử thách. Nhất là với các bạn mới vào nghề, rất dễ rơi vào tình trạng cạn ý tưởng. Trong khi đó, khách hàng/độc giả không chỉ cần nội dung mới liên tục mà còn phải là thông tin dễ áp dụng, truyền cảm hứng, cập nhật đúng xu hướng và phù hợp với nhu cầu thực tế trong thiết kế không gian sống hiện đại.

Để giảm bớt áp lực sáng tạo nội dung mới, tôi giới thiệu với bạn về “Adaptive Reuse” trong nội dung: giải pháp thông minh, tiết kiệm công sức, đồng thời giúp thương hiệu luôn có nội dung mới, đảm bảo chiều sâu chuyên môn và tính chuyên gia tin cậy.

Nguồn: Unsplash 

1/ “Adaptive Reuse” là gì và ứng dụng như thế nào trong nội dung kiến trúc nội thất?

Adaptive Reuse (tái sử dụng thích ứng) là quá trình chuyển đổi chức năng của các công trình công nghiệp cũ để phục vụ mục đích sử dụng mới mà vẫn giữ nguyên các giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa của chúng.

Theo Rethinking The Future (RTF): “Adaptive Reuse không chỉ là cải tạo mà là sự chuyển đổi có chủ đích, bảo tồn di sản đồng thời đáp ứng nhu cầu hiện đại”.

Áp dụng Adaptive Reuse trong việc tái sử dụng nội dung cũng vậy, bạn cần lưu ý: 

  • Chuyển đổi có chủ đích: Bạn tái sử dụng nội dung để làm gì? Từ đó, chọn lọc ra các nội dung có thể tái sử dụng như nội dung từng rất đầu tư nhưng không thu được kết quả mong muốn, nội dung có lưu lượng truy cập tự nhiên giảm, nội dung evergreen nhưng có thứ hạng trung bình… 
  • Bảo tồn và phát triển: Dựa trên thông tin cũ, bạn cập nhật thông tin mới, bổ sung hình ảnh, dữ liệu, đổi định dạng, tối ưu SEO… để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của độc giả/khách hàng ở thời điểm hiện tại.

2/ 5 cách tái sử dụng nội dung hiệu quả trong lĩnh vực kiến trúc nội thất

Theo báo cáo HubSpot 2023, có đến 60% nhà tiếp thị tái sử dụng nội dung từ 2 đến 5 lần để mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng sự tương tác với khách hàng. Điều này cho thấy việc tận dụng lại nội dung cũ là chiến lược phổ biến và hiệu quả.

Dữ liệu từ Content Marketing Institute cũng cho thấy, nội dung được tái sử dụng có thể tạo ra nhiều khách hàng tiềm năng hơn tới 40% so với nội dung mới hoàn toàn. Đây là con số rất ấn tượng, đặc biệt với ngành kiến trúc nội thất, nơi việc sáng tạo nội dung chất lượng mất nhiều thời gian và công sức.

Với những lợi ích rõ ràng từ việc tái sử dụng nội dung, hãy cùng khám phá 5 phương pháp cụ thể giúp bạn tận dụng tối đa giá trị nội dung trong ngành kiến trúc nội thất.

2.1/ Làm mới bài viết cũ

Bạn sẽ giữ lại giá trị cốt lõi của bài viết nhưng làm cho nó trở nên hấp dẫn, hữu ích và phù hợp hơn với đối tượng khách hàng hiện tại bằng cách: thay đổi hình ảnh minh họa, thêm bảng biểu, case study, cập nhật thông tin đã cũ… 

Ví dụ: Từ bài viết “Phong cách hiện đại cho nhà phố” đăng năm 2023, bạn có thể làm mới thành: “Phong cách hiện đại và những ứng dụng mới cho nhà phố Việt năm 2025”. Trong bài này, bạn bổ sung hình ảnh công trình đẹp và mới do công ty thực hiện, tối ưu SEO, cập nhật thêm các xu hướng về kiến trúc, màu sắc, phong cách (xu hướng của năm 2025), cập nhật CTA mới phù hợp với các sản phẩm dịch vụ hiện tại. 

Tại sao nên làm mới bài viết cũ?

  • Những thông tin liên quan tới xu hướng… năm…, nếu không cập nhật, bài viết dễ trở nên lỗi thời.
  • Google ưu tiên nội dung mới, cập nhật giúp cải thiện thứ hạng tìm kiếm.
  • Khách hàng muốn thông tin chính xác, cập nhật và có tính ứng dụng cao.
  • Tiết kiệm thời gian và công sức so với việc viết mới hoàn toàn (trừ trường hợp nội dung gốc quá tệ thì viết mới nhanh hơn ạ).

2.2/ Đổi định dạng nội dung

Cách này thì tôi tin là không còn xa lạ gì với các cây viết. Từ một bài blog dài có thể chuyển thành video ngắn, infographic, chuỗi bài đăng mạng xã hội hoặc podcast… giúp nội dung dễ tiếp cận hơn, tăng sự tương tác và mở rộng đối tượng khách hàng.

Ví dụ: Nội dung “5 đặc trưng của phong cách cổ điển” định dạng text kết hợp hình ảnh có thể chuyển đổi thành 5 Reels đăng trên fanpage, mỗi Reels một đặc trưng.

Tại sao nên chuyển đổi định dạng?

  • Người dùng ngày càng thích nội dung đa phương tiện trực quan hơn là chỉ chữ viết.
  • Giúp tận dụng tối đa giá trị của nội dung gốc trên nhiều nền tảng khác nhau.
  • Tăng khả năng lan tỏa và giữ chân khách hàng.

2.3/ Gom nhóm nội dung

Trước đây, việc tập hợp các bài viết, chia sẻ kinh nghiệm nhỏ lẻ thành một tài liệu tổng quan hơn như ebook, cẩm nang… tôi chỉ thấy phổ biến ở các công ty nước ngoài. Khoảng 2-3 năm gần đây, tôi bắt đầu được đọc những cuốn ebook, tài liệu khá chỉn chu từ các công ty kiến trúc Việt Nam. Việc này giúp người đọc dễ tìm kiếm, tham khảo và nâng cao giá trị tổng thể của nội dung.

Ví dụ: Từ các bài viết “Kinh nghiệm cải tạo biệt thự”, “Kinh nghiệm cải tạo nhà phố”, “Kinh nghiệm cải tạo phòng khách”, “Kinh nghiệm cải tạo phòng bếp”… bạn có thể gom lại, biên tập thành cuốn ebook “Kinh nghiệm cải tạo từ A tới Z giúp gia chủ tiết kiệm chi phí”. Trong đó, bạn chia thành các phần như: Kinh nghiệm cải tạo theo loại hình nhà, kinh nghiệm cải tạo theo phòng, các lưu ý chung khi cải tạo…

Tại sao nên gom nhóm?

  • Giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận kiến thức chuyên sâu, toàn diện hơn.
  • Tăng khả năng thu thập thông tin khách hàng qua việc tặng ebook hoặc tài liệu miễn phí.
  • Thể hiện năng lực và sự chuyên nghiệp của thương hiệu.

2.4/ Tách nhỏ nội dung

Các công ty kiến trúc nội thất ngày càng đầu tư cho các buổi workshop, webinar trao đổi trực tuyến. Những buổi này thường kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ, thậm chí dài hơn. Để phù hợp với thói quen tiêu thụ nội dung và tránh làm khó độc giả ngoài ngành, bạn có thể chia nhỏ nội dung từ các buổi này thành nhiều phần ngắn gọn, dễ hiểu.

Ví dụ: Trong Workshop “Kinh nghiệm cho người lần đầu xây nhà” của Thiết Thạch Group có các phần: Vai trò kiến trúc sư, Một số giải pháp vi khí hậu trong nhà ở, Xây nhà đón Tết – những lưu ý chung, Những lưu ý khi thi công nội thất. Bạn có thể cắt dữ liệu gốc thành 4 video đăng trên Youtube, ví dụ: Xây nhà đón Tết – những lưu ý quan trọng từ KS. Trần Minh Huân, phó TGĐ Thiết Thạch Group.

Tại sao nên tách nhỏ?

  • Người dùng mạng xã hội thường không có nhiều thời gian đọc nội dung dài.
  • Giúp tăng tương tác và giữ chân người xem qua các phần nội dung liên tiếp.
  • Dễ dàng tái sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau.

2.5/ Tùy chỉnh nội dung 

Theo Sprout Social, 59% người tiêu dùng muốn có nội dung phù hợp để có trải nghiệm tốt hơn với một thương hiệu hoặc công ty. Và việc điều chỉnh nội dung theo từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau về trình độ, nhu cầu và mục tiêu sử dụng không chỉ giải quyết bài toán tái sử dụng nội dung tối ưu nguồn lực mà còn giúp thương hiệu trở nên gần gũi, giải quyết vấn đề của các phân khúc khách hàng khác nhau…

Nội dung có thể được biến đổi về ngôn ngữ, chuyên môn, hình ảnh minh họa hoặc cách trình bày. 

Ví dụ: Từ một bài viết về cảnh quan sân vườn cho biệt thự, bạn có thể tùy chỉnh thành nhiều phiên bản: nội dung dễ hiểu và nhiều hình ảnh đẹp, truyền cảm hứng cho nhóm khách hàng muốn tự bố trí cảnh quan; nội dung mang tính chuyên môn và phân tích sâu về vật liệu, kỹ thuật cho kiến trúc sư; nội dung cập nhật thêm các dự án thực tế, thêm dự trù chi phí tương ứng dành cho các đối tác.

Tại sao nên tùy chỉnh?

  • Tăng tính hiệu quả và sự phù hợp của nội dung với từng nhóm khách hàng.
  • Giúp nội dung dễ tiếp nhận, tăng khả năng chuyển đổi và xây dựng uy tín.
  • Tránh lãng phí nội dung khi chỉ phục vụ một nhóm đối tượng duy nhất.

Tóm lại thì:

Nội dung cũ là tài sản quý giá giúp bạn tránh khỏi tình trạng bí ý tưởng. Về phía doanh nghiệp, tái sử dụng nội dung cũ đúng cách còn giúp duy trì sự hiện diện thương hiệu, tiết kiệm nguồn lực và tạo ra giá trị lâu dài. Đây chính là cách làm content thông minh, phù hợp với xu hướng bền vững và nhu cầu thực tế của ngành.

Bạn đã áp dụng cách nào để tái sử dụng nội dung trong lĩnh vực kiến trúc nội thất? Hãy chia sẻ hoặc đặt câu hỏi để cùng trao đổi nhé!

Có thể bạn quan tâm: SCAMPER – “Cứu tinh” giúp Content Writer kiến trúc nội thất thoát cảnh “ăn bí” mỗi ngày

Leave a Reply