Thách thức lớn nhất của Freelancer mới vào nghề là tìm kiếm khách hàng. Có người cả năm vẫn chưa tìm được khách hàng, có người thì việc đếm không xuể ở giai đoạn đầu nhưng sau đó khoảng một vài tháng lại rơi vào tình trạng “ế show”, không biết tìm khách hàng ở đâu. Nhưng bạn đừng căng thẳng, 6 cách mà tôi chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ giúp bạn tiếp cận, “thu phục” những khách hàng tiềm năng để duy trì lượng công việc ổn định.
1/ Bắt đầu với người thân, người quen
Công việc hiện tại của tôi không cần phải đau đáu lo việc nay việc mai nhưng người thân, người quen vẫn là “đầu mối” giới thiệu cho tôi rất nhiều công việc thú vị. Và đây cũng là cách đơn giản nhất để Freelancer mới vào nghề có khách hàng đầu tiên.
Hãy chia sẻ về công việc bạn đang làm với gia đình, bạn bè, sếp cũ, đối tác cũ, đồng nghiệp cũ… Họ chính là khách hàng của bạn hoặc là trung gian giới thiệu bạn với khách hàng khác có nhu cầu.
Ở cách này, dù sẽ được linh động ít nhiều trong việc chứng minh năng lực, khá “dễ thở” cho người mới. Nhưng nhiều bạn lo ngại bởi: “Làm cho người quen mệt lắm, toàn không được trả tiền”.
Vậy, nếu những dự án không công này giúp bạn làm đẹp Portfolio, là chiếc “cần câu cá” thì có đáng để cân nhắc? Theo kinh nghiệm “hành nghề” nhiều năm của tôi, dự án mẫu/dự án từng thực hiện rất quan trọng. Thông qua đó, khách hàng đánh giá được bạn phù hợp với họ hay không và đưa ra quyết định hợp tác/từ chối. Vì thế, sự “không công” này giá trị.
2/ Các trang tuyển dụng, tìm kiếm việc làm
Bạn có thể tạo hồ sơ online trên các trang tuyển dụng để “thu hút” nhà tuyển dụng hoặc tự ứng tuyển vào một vị trí bất kỳ. Hiện nay, các trang việc làm dành riêng cho Freelancer uy tín có thể kể đến: Vlance.vn, FreelancerViet.vn, Freelancer.com, Upwork.com, Fiverr.com…
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm khách hàng qua thông tin tuyển dụng các vị trí Full-time trên Vietnamworks.com, Indeed.com, Vieclam24h.vn… Hãy chủ động gửi đề xuất hợp tác đến các doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng của bạn. Họ tìm kiếm nhân viên Full-time nhưng nếu bạn phù hợp, đáp ứng tính cấp thiết hoặc bạn có năng lực, bạn sẽ được lựa chọn.
Một trong nhiều học viên của tôi đã chủ động tìm kiếm việc làm tự do/part time qua các thông tin tuyển dụng full-time và thu về kết quả khả quan
Riêng tin tuyển dụng đăng tải trong một số hội nhóm việc làm trên mạng xã hội, bạn cần cẩn thận hơn trong việc xác minh địa chỉ công ty, cách làm việc, bút phí và các thỏa thuận khác. Gần đây, tình trạng nhà tuyển dụng kém uy tín bóc lột, lừa tiền, xù tiền… Freelancer diễn ra ngày càng nhiều. Bạn phải chủ động bảo vệ mình nhé (Cách tốt nhất để bảo vệ mình là thanh toán trước 50% hoặc ràng buộc bởi hợp đồng có giá trị pháp lý).
3/ Networking tại hội thảo, sự kiện
Các ngành nghề, lĩnh vực hầu hết đều tổ chức các hội thảo, sự kiện lớn nhỏ để kết nối, mở rộng kinh doanh… Bạn hãy tìm kiếm và tham dự những hội thảo, sự kiện phù hợp. Khách hàng tiềm năng của bạn đang ở đó đợi bạn gây ấn tượng, đợi bạn chủ động kết nối.
Bạn có thể đặt câu hỏi giao lưu với khách mời, đóng góp tiết mục văn nghệ, chủ động giúp đỡ Ban tổ chức… quan trọng là bạn được giới thiệu mình là ai, đến từ đâu, đang làm công việc gì. Bạn cũng nên chuẩn bị namecard để gửi đến những người bạn vừa kết nối. Vì họ có thể nhớ về bạn là người có giọng hát rất hay, gương mặt rất xinh, bạn là một người vẽ minh họa nhưng liên hệ với bạn như thế nào thì thật khó.
Ví dụ trong lĩnh vực Kiến trúc – nội thất – xây dựng của tôi, triển lãm Vietbuild là sự kiện quy tụ rất nhiều khách hàng tiềm năng của Freelancer. Năm 2025, sự kiện này quy tụ hơn 600 doanh nghiệp, lại mở cửa vào tham quan tự do, nếu biết cách networking, các cây viết/marketer không lo “thiếu việc”.
4/ Các group/fanpage ngách/người trong nghề
Tương tự, bạn tìm kiếm hội nhóm trong ngành nghề, lĩnh vực của mình để tìm khách hàng. Ban đầu, nếu chưa tự tin chia sẻ kiến thức, thông tin, bạn có thể mở rộng vòng kết nối bằng cách thả tim, bình luận… Dần dà, sau khi quen nhà, quen người, bạn viết bài chia sẻ để thể hiện tôi là một chuyên gia trong ngách hoặc chia sẻ về công việc bạn đang làm để thu hút khách hàng tiềm năng.
Tôi từng có khách hàng từ những bình luận như thế này trên các hội nhóm phù hợp
Với fanpage, đó có thể là fanpage của một doanh nghiệp, một doanh nhân, một người nổi tiếng trong ngách bạn chọn… Quan trọng là bạn phải biết cách xuất hiện, gây ấn tượng và kết nối. Chủ động và chân thành, đây là 2 từ khóa tôi tặng bạn!
Thêm nữa, một số ngành nghề lĩnh vực đặc thù (như lĩnh vực của tôi) thì tin tuyển dụng cũng hầu hết đăng tải trên fanpage doanh nghiệp hoặc trang của Founder, quản lý. Kết nối, theo dõi những người này cũng là cách giúp bạn không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận, thử sức với các công việc đang tìm người.
5/ Kênh cá nhân của chính bạn
Thông qua việc xây dựng nội dung blog/website/facebook/youtube, bạn có thể tạo dựng thương hiệu cá nhân để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Nếu duy trì việc này đều đặn và tạo ra những ảnh hưởng nhất định, bạn sẽ không cần đi tìm khách hàng nữa, chính kênh của bạn sẽ là thỏi nam châm hút khách.
Đương nhiên, không phải Freelancer nào có blog/website/facebook/youtube là được khách hàng “ngó” tới. Bạn phải biết cách biến nó thành công cụ hút khách hiệu quả.
Ít nhất, khi vào kênh của bạn, khách hàng sẽ thấy vấn đề mình đang gặp đã được giải quyết hoặc sẽ được giải quyết một cách hiệu quả bởi một “chuyên gia”. Để làm được điều này, bạn cần có kế hoạch, chiến lược cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu, tiếp thị nội dung… và cam kết thực hiện nó nhất quán, bền bỉ.
Ví dụ website của tôi, ngay từ trang chủ đã thể hiện rất rõ: tôi là ai, khách hàng của tôi là, và tôi giúp được gì cho họ. Đi vào các trang chi tiết hơn sẽ là dịch vụ dành cho từng nhóm đối tượng, bài viết chia sẻ kiến thức/kinh nghiệm…
Lưu ý: Xây dựng nội dung trên kênh cá nhân không chỉ là cách để bạn có thể tìm khách hàng ở những ngày mới vào nghề, mà còn là đầu việc không thể “ngó lơ” trong suốt quá trình làm tự do của bạn. Bạn có thể duy trì một kênh ngắn (social) để tương tác thường xuyên với khách hàng ở những nội dung ngắn, viral và một kênh dài (bản tin, bài blog chuyên sâu) để thể hiện năng lực chuyên môn.
6/ Phương pháp “dò đài bằng tay”
Đây là phương pháp tìm kiếm khách hàng mà tôi thích nhất và áp dụng từ lúc “hành nghề” đến nay. Cách này giúp bạn khoanh vùng khách hàng: khách hàng đúng ngách, khách hàng giúp bạn phát triển công việc, khách hàng có khả năng chi trả,…
Đổi lại, bạn phải cẩn trọng, tỉ mỉ và chỉn chu ở khâu chuẩn bị. Từ việc lọc ra danh sách khách hàng tiềm năng uy tín, đánh giá năng lực bản thân có phù hợp với địa chỉ A,B,C bất kỳ cho đến cách viết thư đề xuất hợp tác, liệt kê danh sách dự án mẫu từng thực hiện…
Chưa hết, phương pháp “dò đài bằng tay” này rất dễ gây nhụt chí, nản lòng. Bạn nên chuẩn bị một tinh thần không sợ bị từ chối, sẵn sàng gửi lại đề xuất hoặc tìm kiếm địa chỉ khác phù hợp hơn.
5 bước bạn cần thực hiện:
Bước 1: Lọc danh sách các công ty/tổ chức/cá nhân trong ngách mà bạn thấy phù hợp
Ở bước này, nếu bạn chưa có bất cứ một công ty, tổ chức hay cá nhân nào mà bạn thích hay có tiềm năng, bạn có thể gõ cụm “Công ty + lĩnh vực/ngành nghề + địa điểm” trên Google và sau đó chọn 3-5 công ty để tìm hiểu chi tiết.
Ví dụ bạn gõ “công ty thiết kế xây dựng tại TPHCM”, Google sẽ trả ra hơn 23 triệu kết quả. Bạn sẽ lọc từ đó và chọn 3 công ty là: S-House Design, 3A Design, Kiến An Vinh để tìm hiểu chi tiết. Nếu vẫn chưa ưng ý, bạn lại tiếp tục rà soát và tìm hiểu các công ty tiếp theo.
Bước 2: Thu thập danh sách địa chỉ liên hệ, người phụ trách chính.
Ở bước này, nếu không thể xin liên hệ từ người thân, người quen, bạn hãy chủ động liên hệ qua số điện thoại hoặc email mà website công ty đăng tải để xin số điện thoại, email của người phụ trách chính phòng ban, dự án bạn mong muốn cộng tác.
Nếu đối tượng bạn hướng tới là khách hàng cá nhân thì dễ dàng hơn, bạn hãy chủ động nhắn tin qua Facebook, zalo, hoặc gọi điện để hỏi họ về cách thức trao đổi công việc phù hợp nhất.
Trang Liên hệ hoặc phần thông tin ở Footer Website thường có thông tin email, số điện thoại mà bạn cần
Bước 3: Nghiên cứu khách hàng tiềm năng
Ở bước này, dựa vào chuyên môn và kinh nghiệm, bạn hãy tìm ra những điểm chưa hợp lý/điểm cần cải thiện ở công ty, ở dự án mà bạn mong muốn hợp tác. Sau đó đề xuất các giải pháp mà nếu là bạn, bạn sẽ thực hiện để giúp đối tượng khách hàng mục tiêu giải quyết vấn đề hiện tại.
Ví dụ, khi vào website của một công ty thiết kế A, bạn nhận thấy giao diện trang Home chưa tối ưu, nội dung bài dự án dù quan trọng nhưng chưa được cập nhật hình ảnh + text chỉn chu… Bạn sẽ gửi email đề xuất chỉ ra vấn đề đi kèm phương án giải quyết và những kết quả thu được nếu công ty chọn giải pháp của bạn.
Bước 4: Chuẩn bị Portfolio, dự án mẫu và thư đề xuất hợp tác.
Bạn có thể gửi thư đề xuất kèm theo Portfolio hoặc dự án mẫu được trình bày dưới dạng tài liệu và gửi tới khách hàng. Lưu ý là, bạn hãy dành thời gian cho việc chuẩn bị dự án mẫu và thư đề xuất hợp tác. Dự án mẫu nên là những dự án sát nhất với yêu cầu của đối tượng khách hàng, thư đề xuất nên được viết dành riêng cho một đối tượng, đừng sao chép một mẫu và gửi nhiều người cùng lúc.
Ví dụ: Nếu gửi đề xuất cho khách hàng để ứng tuyển vị trí viết nội dung chuẩn SEO lĩnh vực Kiến trúc thì các đầu việc liên quan đến viết nội dung chuẩn SEO, viết nội dung lĩnh vực Kiến trúc, kiến thức liên quan đến kỹ thuật SEO nên được ưu tiên hơn là viết sách thiếu nhi, trưởng nhóm tình nguyện ABC…
Bước 5: Gửi và đợi phản hồi.
Đối tượng khách hàng của bạn có thể trả lời bạn hoặc không. Sau 10 ngày, nếu không có phản hồi bạn có thể tìm những địa chỉ mới để bắt đầu lại. Bạn đừng vội vàng nhắn hỏi “anh chị ơi, sao em gửi email mà không thấy anh chị rep” sau một vài ngày, khách hàng sẽ đánh giá bạn thiếu chuyên nghiệp.
Nếu bạn rất thích một doanh nghiệp/cá nhân nào đó và muốn chắc chắn là họ không bỏ lỡ email của mình, bạn hãy soạn một email cảm ơn có nội dung như: “Em rất thích được làm việc cùng anh chị nên đã gửi thư đề xuất cộng Portfolio đến địa chỉ abc vào ngày x, nhưng có lẽ công việc quá bận rộn nên anh chị chưa kịp phản hồi. Hi vọng là một ngày nào đó em sẽ có cơ hội cộng tác cùng anh chị”.
Tóm lại thì:
Có cách đòi hỏi sự tương tác trực tiếp và chủ động trao đổi để tìm kiếm, tiếp cận khách hàng. Có cách tập trung hơn vào việc xây dựng nền tảng, profile, tạo lợi thế thu hút khách hàng tiềm năng để khách hàng tự tìm đến bạn.
Và mỗi cách đương nhiên sẽ có những ưu, hạn chế khác nhau, bạn cần tìm ra cách phù hợp nhất với mình. Ví dụ như bạn là người hướng nội, ngại tiếp xúc người lạ, bạn có thể cân nhắc không tìm kiếm khách hàng thông qua các sự kiện trực tuyến. Và chắc chắn rồi, bạn có thể áp dụng cùng lúc tất cả các cách để tăng thêm tỷ lệ thành công cho mình.
Nếu bạn là một người mới làm tự do, đang loay hoay không biết nên làm gì để bắt đầu hành trình này, hãy đặt lịch 1:1 trò chuyện với nhau nhé!