5 Điều freelancer cần lưu ý trước khi chốt deal với khách hàng tiềm năng

Tôi mon men tìm hiểu nghề viết từ năm hai đại học. Ở thời điểm đó, tôi gửi bài test qua, người tuyển dụng duyệt thì nhận Job. Nếu may mắn, tôi sẽ đều đặn nghe tiếng ting ting quen thuộc hàng tháng. Nếu bất trắc, họ chạy mất còn tôi không biết tìm họ ở đâu. Tôi làm được gì với khách hàng sử dụng tài khoản facebook ảo? 

Sau đó, tôi có vẻ khá hơn ở khâu xác định tính “real” của khách hàng. Nhưng tôi lại nhanh chóng rơi vào “kiếp nạn” mới: khách bắt sửa bài viết liên tục và nhắn tin, gọi điện bất kể ngày đêm. 

Tôi tin là nhiều bạn cũng giống tôi thuở non nớt mới vào nghề. Vậy nên ở bài viết này, tôi muốn chia sẻ với bạn về sự chuẩn bị, cân nhắc trước khi chốt deal với khách hàng để:

  • Bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình
  • Tăng tỷ lệ chốt deal

1/ Tìm hiểu về khách hàng

Tôi hiểu cảm giác đang ế mốc ế meo bỗng dưng có khách hỏi tới. Mừng điên lên được, nhận, nhận, không nhận thì khách bỏ đi mất. Nhưng khi có khách hàng tìm đến, bạn cần bình tĩnh và thận trọng. Đừng vội vàng đồng ý nhận lời ngay.

Hãy tìm hiểu các thông tin như:

Họ có đáng tin cậy không? (Thông tin doanh nghiệp/cá nhân, thời gian hình thành, đánh giá từ những người khác…). 

Bạn có thể “stalk” một doanh nghiệp qua Google, các trang mạng xã hội, review công ty, hỏi người thân, người quen, cộng đồng… để có những nhận định ban đầu trước khi quyết định gặp mặt, trao đổi với họ.

Họ đã từng làm việc với Freelancer trước đây chưa? Cách làm việc như thế nào? Có phản hồi nào tiêu cực không? 

Nếu là tin tuyển dụng từ các hội nhóm trên Facebook, bạn thử gõ tên của doanh nghiệp/cá nhân tuyển dụng trong chính các hội nhóm, rất có thể bạn sẽ thấy được những thông tin mình cần.

Định hướng phát triển của họ như thế nào? 

Tới đây nhiều bạn sẽ đặt câu hỏi: “Làm tự do thôi mà quan tâm định hướng phát triển của doanh nghiệp làm gì?”. Bạn cứ bỏ qua định hướng nếu bạn không xem công việc tự do như một business cá nhân, cần sự đầu tư nghiêm túc. Còn ngược lại, bạn buộc phải quan tâm. Bởi thời gian có hạn, chúng ta nên ưu tiên cho những đầu việc ngoài kiếm ra tiền, còn giúp chúng ta phát triển năng lực, sự nghiệp.

Họ muốn thuê bạn làm hạng mục gì? Mục tiêu là gì? 

Câu hỏi này giúp bạn hạn chế được các khách hàng chưa biết bản thân mong muốn điều gì. Nếu làm việc với họ, rất có thể bạn rơi vào tình trạng chỉnh sửa, thay đổi liên tục, tốn thời gian và năng lượng.

Ngân sách dành cho dự án là bao nhiêu? 

Lúc mới làm tự do, tôi không dám hỏi về ngân sách, hầu hết là khách trả nhiêu nhận nhiêu. Sau khi có năng lực, có kinh nghiệm rồi tôi vẫn không dám hỏi về ngân sách, tôi sợ khách hàng đánh giá mình “chưa làm đã vội tiền tiền”. 

Thực tế là, thông tin về ngân sách là điều cần thiết để bạn deal giá phù hợp và lựa chọn được phương án tối ưu nhất cho cả hai bên. Thêm nữa, bạn và khách hàng là mối quan hệ hợp tác ngang hàng, không phải kiểu “xin – cho”, nên cứ deal tới bến khi mình tạo ra giá trị.

2/ Đề xuất giải pháp kèm theo giá

Giống như khi chúng ta mua thịt bò Wagyu, nếu cửa hàng chỉ để “Thịt bò Wagyu giá 6 triệu đồng/kg”, chắc chắn chúng ta sẽ:

– (So sánh với thịt bò Wagyu Úc vừa mua của cửa hàng ABC): Thịt bò Wagyu gì mà đắt thế, gấp mấy lần.

– Khó chịu vì không biết thịt bò Wagyu Úc/Mỹ hay Nhật, là loại gì, thăn lưng hay lõi nạc vai hay một loại gì đó khác.

Kết quả là chúng ta rời đi, tìm kiếm một địa chỉ khác.

Làm việc với khách hàng cũng vậy. Nhiều bạn bỗng mất khách ngay sau khi đưa ra mức giá. Lý do là vì bạn không giải thích về công việc mình làm, khách hàng không thấy sự khác biệt giữa bạn và bạn ABC nào đó, chỉ thấy mỗi việc giá của bạn “cắt cổ”.

Ví dụ: Bạn A vừa báo giá một bài SEO 50 ngàn, bạn báo giá: “Giá bài SEO của em hiện tại là 3 triệu/1000-2000 chữ nhé ạ”. Nếu bạn là khách, bạn chạy không? Tôi chạy là cái chắc. Vì khách đâu biết bài SEO 50 ngàn kia là nội dung xào xáo, copy, là nội dung do AI xuất ra, còn nội dung tiền triệu kia là nội dung gốc chất lượng, có tối ưu từ khóa, có sự cam kết về chuyển đổi.

Vậy nên, ngoài việc cung cấp dự án mẫu, portfolio… khi trao đổi với khách hàng, bạn phải trình bày về điểm khác biệt của sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp. Bạn cung cấp giải pháp gì, hiệu quả ra sao? Vấn đề của khách hàng có thể giải quyết ổn thỏa như thế nào?

Hãy cho khách hàng thấy một đồng họ bỏ ra là xứng đáng!

3/ Đưa ra nguyên tắc làm việc của bản thân

Để công việc suôn sẻ, tránh trường hợp “khách hành” sát giờ nghỉ ngơi, bạn nên có những nguyên tắc làm việc riêng. Trong quá trình trao đổi, bạn khéo léo chia sẻ chúng với khách hàng. Nếu khách hàng tỏ ý không thích, không vui, dừng ngay còn kịp.

Một số nguyên tắc của tôi khi làm tự do:

  • Thanh toán 50-100% giá trị hợp đồng trước khi bắt đầu triển khai công việc (bảo vệ quyền lợi cho bản thân, tránh trường hợp bị quỵt tiền).
  • Thời gian trao đổi công việc từ 9h sáng tới 15h chiều mỗi ngày, từ thứ Hai tới thứ Sáu.
  • Tính chi phí phát sinh nếu yêu cầu thêm công việc khác ngoài phạm vi đã thỏa thuận.

Gần đi ngủ là có tin nhắn, điện thoại của khách hàng… một tình huống thường gặp của Freelancers. Hãy đặt quy tắc riêng trước khi bạn kiệt sức!

4/ Đặt niềm tin vào bản thân và sản phẩm – dịch vụ

Nếu sản phẩm – dịch vụ của bạn có giá trị với khách hàng, không phải trường hợp “thùng rỗng kêu to”, hãy tin bản thân xứng đáng được trả mức phí cao. Bởi nếu ngay cả chính bạn cũng không đặt niềm tin vào sản phẩm – dịch vụ thì lấy gì để thuyết phục khách hàng tin tưởng. 

Tôi cũng tin vào sự đưa lối của vũ trụ, bạn nghĩ về mức thu nhập thế nào thì bạn sẽ gặp được khách hàng sẵn sàng chi trả thế đó.

Chưa kể, khi làm được hai điều này, năng lượng tự tin tỏa ra từ bạn sẽ thu hút khách hàng khi gặp gỡ, chuyện trò, nhất là trong quá trình thương lượng chốt deal.

Có thể bạn quan tâm: 6 Cách tìm kiếm khách hàng có thể áp dụng ngay dành cho Freelancer mới vào nghề

5/ Trung thực

Đây là yếu tố rất quan trọng. Mặc dù chúng ta đang thuyết phục khách hàng để có deal xịn nhưng đừng nói sai sự thật hay nói quá lên về bản thân, về sản phẩm – dịch vụ. Có thể bạn chốt deal thành công nhưng sau đó phải dừng hợp đồng vì không hoàn thành công việc, ảnh hưởng rất lớn tới uy tín cá nhân.

Bạn cứ trung thực về điều bạn có thể làm. Tôi tin rằng, thái độ chân thành và tinh thần sẵn sàng làm việc cũng giúp bạn mang về những hợp đồng xịn, những khách hàng tử tế. Muốn gặp người tử tế, trước hết mình cứ tử tế trước đã.

Vậy là tôi đã chia sẻ với bạn 5 điều cần lưu ý trước khi chốt deal với khách hàng tiềm năng, hi vọng nội dung này giúp bạn tự tin hơn và “rinh” về thật nhiều khách hàng cùng hệ giá trị. 

Nếu bạn cần tôi đồng hành sâu hơn trong quá trình đóng gói sản phẩm – dịch vụ, đề xuất khách hàng khi làm tự do, đặt lịch 1:1 nhé!

Related Posts

Leave a Reply